Không ngừng tiến về phía trước

24/04/2025

Chia sẻ từ Trần Phước Lâm Duy -Sinh viên ngành Quản trị Kinh doanh, Viện Kinh doanh Quản trị

Em là Trần Phước Lâm Duy, một người con của mảnh đất Bảo Lộc, Lâm Đồng. Nơi em lớn lên, giáo dục vẫn còn nhiều thách thức. Cha em là một người nông dân trồng bơ và sầu riêng trong nông trại gia đình ở Lâm Đồng, còn mẹ là người bán cà phê. Từ nhỏ, em đã chứng kiến cha mẹ làm việc chăm chỉ, tận tụy với từng sản phẩm nông sản. Chính câu chuyện yêu lao động từ cha mẹ đã tác động tích cực tới em, gieo trong em lòng kính trọng những giá trị chân thật và bền vững.

Trong những năm cấp ba, tiếng Anh, hoạt động ngoại khóa, hay các chương trình định hướng nghề nghiệp đều là những điều xa xỉ. Đối với em và nhiều bạn bè cùng trang lứa, việc xin học bổng hay du học chỉ là những giấc mơ xa vời. Thời điểm đó, em chưa từng nghĩ em sẽ có ngày được học tại một ngôi trường như VinUni, càng không thể ngờ rằng em sẽ trở thành sinh viên khóa đầu tiên của trường. 

Trước ngưỡng cửa đại học, em từng dự định chọn ngành nghề theo lời khuyên của bố mẹ hoặc bạn bè vì không biết làm gì khác. Phần lớn thời gian của em chỉ xoay quanh việc học để đạt điểm số cao, nhưng em hoàn toàn thiếu kỹ năng mềm hay định hướng cụ thể cho tương lai.

Thế rồi, em gặp được một người thầy dạy vẽ, người đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời em. Thầy không chỉ dạy em cách vẽ mà còn giúp em lên kế hoạch cho cuộc sống, truyền cảm hứng về mục tiêu sống phụng sự xã hội, và đặc biệt là tư duy vượt lên nghịch cảnh. Nhờ có thầy, em nhận ra rằng bản thân có thể làm nhiều hơn, mơ xa hơn, và không cần phải giới hạn trong hoàn cảnh.

Khi Khát Vọng Và Sự Quyết Tâm Là Chìa Khóa Thành Công

Khi em nộp hồ sơ vào VinUni, lúc đầu em bị đưa vào danh sách chờ vì thiếu hoạt động ngoại khóa và kỹ năng mềm so với các bạn đến từ Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh. Nhưng thay vì từ bỏ, em quyết định viết một email trực tiếp gửi đến Hiệu trưởng và Chủ tịch nhà trường, trình bày về những khó khăn của học sinh từ các tỉnh lẻ.

Em nói rằng để có được một hồ sơ ngang bằng với các bạn ở thành phố, học sinh tỉnh lẻ phải nỗ lực gấp nhiều lần: tự học IELTS, tự lập và điều hành câu lạc bộ, tự nghiên cứu cách viết luận. Thật bất ngờ, sau email ấy, em được nhà trường phỏng vấn lại và nhận được học bổng 100%. Đó là khoảnh khắc em hiểu rằng, nếu bạn dám cất tiếng nói và đấu tranh cho điều em tin tưởng, cơ hội sẽ đến.

Những ngày đầu bước chân vào VinUni, em cảm thấy bỡ ngỡ nhưng cũng tràn đầy hy vọng. Là sinh viên khóa đầu tiên, chúng em không chỉ học mà còn cùng nhau xây dựng văn hóa trường lớp, tạo dựng cộng đồng sinh viên từ con số 0. VinUni không chỉ dạy em kiến thức, mà còn mang đến vô số cơ hội quý giá: từ việc tham gia các câu lạc bộ, dự án xã hội đến việc được đi trao đổi ở Hàn Quốc – một trải nghiệm đã mở rộng thế giới quan của em. Trong khoảng thời gian đó, em không chỉ học hỏi thêm về chuyên ngành mà còn được tiếp xúc với nền văn hóa mới, gặp gỡ bạn bè quốc tế, và mở rộng tầm nhìn. Thời gian xử sở kim chi giúp em nhận ra rằng, dù bạn đến từ quốc gia nào hay hoàn cảnh ra sao, điều quan trọng nhất vẫn là tinh thần sẵn sàng học hỏi và không ngừng cải thiện bản thân.

ảnh Lâm Duy và các bạn trà đá mentor 

Chính từ những gì em đã trải qua, em luôn đau đáu về khoảng cách trong giáo dục giữa học sinh thành phố và tỉnh lẻ. Vì thế, vào năm 2020, em cùng các bạn đã thành lập Trà Đá Mentor – một dự án giúp kết nối học sinh, sinh viên với các mentor, những người đi trước sẵn sàng chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm.

ảnh Lâm Duy trao đổi đi hàn quốc 

Ban đầu, chúng em chỉ có 7 mentee và một vài mentor. Nhưng nhờ sự nỗ lực không ngừng, đến năm 2024, Trà Đá Mentor đã phát triển thành một doanh nghiệp xã hội với hơn 200 mentee và hơn 60 mentor đến từ các lĩnh vực đa dạng như kinh doanh, công nghệ, tâm lý, tài chính. Các mentor của chúng em đến từ những công ty hàng đầu như Shopee, VNG, MoMo và cả các trường đại học danh tiếng thế giới.

Dù đã đạt được những thành công nhất định, hành trình của Trà Đá Mentor không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Năm 2023, chúng em từng đứng trước nguy cơ phải đóng cửa vì thiếu kinh phí và khó khăn trong việc thay đổi nhận thức về mentoring. Nhưng thay vì từ bỏ, đội ngũ đã cùng nhau nhìn lại, cải tiến mô hình, và tiếp tục hành trình với niềm tin rằng mentoring không chỉ là chia sẻ kỹ năng, mà còn là đồng hành, khai phá tiềm năng của mỗi người trẻ.

Em thường tự nhủ: “Hãy làm nhiều, chơi ít. Nếu thất bại thì học. Thanh xuân là để học, để hiểu bản thân và để cống hiến cho đất nước, chứ không phải để ‘đi trốn với anh.’” Đó là điều em đã chia sẻ một cách vui vẻ nhưng đầy nghiêm túc trên trang cá nhân, hy vọng truyền cảm hứng cho các bạn trẻ khác.

Nhìn lại hành trình từ một cậu bé ở Bảo Lộc đến tân cử nhân ngành Quản trị Kinh doanh tại VinUni, em cảm thấy vô cùng biết ơn. Em biết ơn thầy cô, bạn bè, và nhà trường – những người đã luôn đồng hành, trao cơ hội, và tạo động lực cho em không ngừng tiến về phía trước. Hành trình này có thể chỉ mới bắt đầu, nhưng em tin rằng với những gì đã tích lũy, em sẽ tiếp tục nỗ lực để lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo và tạo ra những giá trị tích cực hơn nữa cho xã hội.

Banner footer