Chuyện chưa kể từ Phòng Y tế VinUni
Khi tình yêu nghề được gửi gắm qua sự chăm sóc tận tâm và cái nhìn ân cần
Bước chân vào cánh cổng đại học, năm đầu tiên tại VinUni là hành trình đặc biệt – khi những bạn sinh viên lần đầu sống xa nhà, bắt đầu cuộc sống tự lập trong khu Ký túc xá hiện đại của trường. Đó không chỉ là chặng đường của những khám phá, kết bạn hay trưởng thành, mà còn là lúc các bạn học cách chăm sóc chính mình – từ những cơn cảm nhẹ đến những đêm trằn trọc nhớ nhà không gọi thành lời.
Và trong hành trình ấy, có một người vẫn luôn âm thầm hiện diện – lặng lẽ nhưng đầy ấm áp: chị Trang, cán bộ y tế của VinUni. Với nhiều thế hệ sinh viên, chị không chỉ là người phụ trách sức khỏe, mà còn là người bạn thân quen, người “chị” dịu dàng, luôn có mặt mỗi khi các bạn cần nhất.
“Sinh viên bước vào Ký túc xá như những trang giấy trắng. Tôi chỉ mong mình có thể viết lên đó những điều dịu dàng nhất.”
Chị Trang không chỉ làm việc trong giờ hành chính tại Phòng Y tế. Buổi tối, khi nhiều người đã nghỉ ngơi, chị vẫn lặng lẽ có mặt tại Ký túc xá mỗi khi nhận được cuộc gọi từ hotline – lắng nghe những tâm sự, cùng các bạn vượt qua những cơn đau bụng bất chợt, hay hỗ trợ khi cần thiết.
“Nhiều bạn sinh viên vẫn còn rất non nớt khi mới bước vào đại học – chưa từng uống thuốc một mình, chưa biết cách dùng thuốc dạng viên sủi ra sao. Tôi nhớ mãi lứa sinh viên đầu tiên, đi học quân sự đúng lúc dịch Covid bùng phát. Không có gia đình bên cạnh, tôi đã cùng các bạn trải qua những ngày cách ly, cùng các bạn sinh viên mang từng phần cơm, từng viên thuốc – để các bạn không cảm thấy mình đang một mình.”
Chị Trang bảo, lúc con người yếu đuối nhất chính là khi ốm. Chỉ một cái vỗ vai, một lời hỏi han đúng lúc cũng đủ khiến nỗi cô đơn vơi bớt. Và nếu chị có thể là người mang lại chút bình yên ấy – thì đó là lý do để chị tiếp tục công việc với tất cả tình yêu thương.
Khi người thân xa ngàn dặm, “chị Trang” trở thành điểm tựa
Khi được hỏi về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong hành trình làm nghề, chị Trang nhắc ngay tới lần chăm sóc một sinh viên quốc tế – bạn không may bị sốc phản vệ do sử dụng thuốc kê từ bên ngoài.
“Tôi đang ăn cơm thì nhận được cuộc gọi. Lập tức tôi bỏ hết, chạy tới bệnh viện Gia Lâm. Đêm ấy tôi túc trực cùng bạn vì sợ tình trạng trở nặng. Khi ở nơi đất khách quê người, không người thân, tôi biết bạn cần ai đó – và tôi muốn mình là người ấy.”
Với sinh viên quốc tế, chăm sóc không chỉ là về y tế. Đó còn là sự thấu hiểu văn hóa, tôn trọng tín ngưỡng. Chị Trang đã chuẩn bị những bữa ăn thay thế – từ sữa hạt đến bánh – đảm bảo sức khỏe mà vẫn đúng với niềm tin cá nhân của bạn.
Vài ngày sau khi hồi phục, bạn sinh viên âm thầm mang tặng chị một bó hoa nhỏ. Không cần lời cảm ơn to tát, khoảnh khắc ấy đủ để chị hiểu rằng mình đã thật sự chạm đến trái tim một con người – không bằng những điều lớn lao, mà bằng sự hiện diện đúng lúc.
“Chị Trang ơi!” – lời gọi thân thương đủ khiến một ngày rực rỡ
“Chỉ cần bước ra KTX, nghe ai đó reo lên ‘Chị Trang ơi!’ là tôi thấy vui cả ngày. Có hôm các bạn còn rủ tôi làm ‘bệnh nhân mẫu’ để thực hành môn học. Những khoảnh khắc giản dị ấy tiếp thêm động lực cho tôi – vì tôi biết mình đã là một phần trong cuộc sống của các bạn.”
Không tên trên bảng vàng thành tích, không xuất hiện ở lễ vinh danh, nhưng với sinh viên VinUni, chị Trang là biểu tượng của sự dịu dàng, tận tụy và bền bỉ. Là người hiện diện thầm lặng nhưng không thể thiếu, đặc biệt trong những thời khắc yếu lòng nhất.
“Tôi yêu nghề, vì tôi hiểu nó quan trọng. Làm ở VinUni nhiều năm, tôi cảm nhận sâu sắc văn hóa đặt con người làm trung tâm. Và một khi đã chọn làm nghề y, tôi tin mình phải luôn cố gắng hết sức – vì chỉ cần giúp được thêm một người là đủ thấy nghề này xứng đáng.”
Cảm ơn chị Trang – vì đã chọn ở lại, vì đã chọn đồng hành. Không ồn ào, không rực rỡ, nhưng chính sự âm thầm bền bỉ ấy đã viết nên một phần đặc biệt trong hành trình trưởng thành của biết bao sinh viên VinUni – bằng sự lắng nghe, tận tâm và một trái tim luôn đầy ắp tình yêu thương.