Cán bộ thủ thư trên hành trình gieo hạt tri thức

17/07/2025

Tất cả những chi tiết tưởng chừng rất nhỏ ấy, thực ra đều có chủ ý. Và đằng sau chúng là đội ngũ Thư viện VinUni, đặc biệt là chị Tâm – một người phụ nữ có dáng vẻ trầm tĩnh, nhưng cực kỳ quyết liệt khi nói về trải nghiệm học tập lý tưởng. Với chị, thư viện không chỉ là nơi chứa sách, mà là một không gian học tập sống động và linh hoạt, nơi mọi yếu tố, từ ánh sáng, âm thanh, bàn ghế đến công nghệ, đều có thể được cá nhân hóa, đem lại nhiều trải nghiệm phục vụ cho việc học của sinh viên, dù là học cá nhân, học nhóm kín hay thảo luận nhóm mở.

“Chỉ cần nhìn bàn ghế và cách sinh viên ngồi, chị có thể biết cần điều chỉnh gì. Góc nào thiếu ánh sáng, chỗ nào thiếu ổ cắm, bàn cao quá hay ghế thiếu tay vịn, tất cả đều ảnh hưởng đến việc học,” chị chia sẻ.

Đối với nhiều sinh viên, thư viện là nơi lui tới thường xuyên nhất, là “đại bản doanh” của những đêm ôn thi hay những buổi học nhóm kéo dài. Nhưng ít ai biết rằng, từng ổ điện trên sàn, từng góc đọc sách riêng tư, từng khu vực học nhóm hay những phòng đa chức năng – đều là kết quả của hàng tháng trời chị Tâm miệt mài nghiên cứu, lên kế hoạch, thử nghiệm và thậm chí… tranh luận với nhà thầu.

Sau chỉ hơn một năm, từ một mảnh đất trống, một không gian tri thức hiện đại bậc nhất đã hiện hữu, với tiêu chuẩn âm thanh, ánh sáng, hệ thống bàn ghế và trang thiết bị không thua gì các thư viện đại học lớn trên thế giới. Studio “Một nút bấm” nhỏ trong thư viện, nơi sinh viên có thể tự quay video học thuật chỉ với một chiếc USB, cũng do chị Tâm tìm hiểu từ mô hình nước ngoài, và kiên trì thuyết phục đội thi công tại Vi3ệt Nam biến nó thành hiện thực.

“Chị muốn các bạn sinh viên Việt Nam có được trải nghiệm học tập như khi chị từng học ở Úc hay Mỹ, chỉ cần bước vào thư viện, mọi thứ đều hỗ trợ cho việc học của bạn hoặc theo nhóm hoặc cá nhân, từ không gian, trang thiết bị đến hệ thống tài liệu.”

Ngoài việc quản lý vận hành thư viện, chị Tâm còn âm thầm hỗ trợ các bạn sinh viên và giảng viên trong công tác nghiên cứu. Ít ai biết, tuy không phải là giảng viên, không đứng lớp, nhưng chị từng hướng dẫn hai sinh viên VinUni tham gia nghiên cứu khoa học và được mời trình bày tại hội nghị quốc tế ở khu vực Đông Nam Á. Còn chính chị, cũng đã được mời chia sẻ về mô hình thư viện của VinUni tại các trường đại học danh tiếng ở Mỹ, bao gồm Harvard.

“Đi đâu chị cũng tranh thủ kể về VinUni. Về cái cách mà một trường đại học tư thục ở Việt Nam đã dám mơ lớn với một thư viện không chỉ đẹp, mà còn vận hành chuyên nghiệp và hiệu quả, tiên phong ứng dụng công nghệ mới.”

Nhưng với chị, điều ý nghĩa nhất vẫn là khi sinh viên bước vào thư viện, tìm thấy một chỗ ngồi dễ chịu, những tài liệu hữu ích, một không gian đủ yên tĩnh để tập trung nhưng đầy đủ tiện ích, hay một nơi để thảo luận sôi nổi. Không cần cảm ơn, không cần biết ai đứng sau, chỉ cần sinh viên thấy thoải mái và học được, thế là đủ.

“Tôi yêu khoảnh khắc sinh viên ngồi học trong không gian mở, ánh nắng đổ vào từ cửa kính, ai đó đang đọc sách, người khác đang viết báo cáo, hoặc đơn giản là ngồi yên. Tôi mong thư viện là nơi các em tìm được sự bình yên, và khao khát học hỏi.”

Trong sự yên tĩnh của thư viện VinUni, không phải lúc nào bạn cũng thấy bóng dáng chị Tâm. Nhưng nếu để ý, bạn sẽ thấy dấu ấn của chị ở khắp mọi nơi,từ chiếc ghế êm, chiếc bàn nâng hạ, ổ cắm tiện lợi, đến ánh đèn ấm áp nơi góc học tập. Những điều nhỏ bé ấy, chị gọi là “trái tim của thư viện”.

Bạn có bao giờ nghĩ: điều gì giữ cho thư viện luôn yên tĩnh, đầy đủ, hiện đại và truyền cảm hứng?

Đó là vì luôn có những người âm thầm như chị Tâm, người gieo hạt tri thức giữa lòng VinUni.

Banner footer