Giáo dục Y Khoa: Ý tưởng đến Hành động

Giáo dục Y Khoa: Ý tưởng đến Hành động

27/03/2025

Phần 1: NHỮNG NGƯỜI ĐẶT VIÊN GẠCH ĐẦU TIÊN

Chia sẻ từ: PGS.TS.BS.Lê Cự Linh – Viện phó Thường trực, Viện Khoa học Sức Khỏe Trường Đại học VinUni

Khởi đầu tại VinUni

Câu chuyện VinUni bắt đầu từ cuối năm 2014, khi Vinmec đề xuất mở trường đại học Y nhằm giải quyết khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự y tế chất lượng cao, đồng thời nâng tầm sứ mệnh chăm sóc sức khỏe của tập đoàn. Khi được mời tham gia, tôi nhận lời ngay, bởi ý tưởng này rất phù hợp với mong muốn cống hiến của mình. Chủ tịch tập đoàn khi đó đã đặt ra ba mục tiêu chiến lược: xây dựng một trường đại học Y đẳng cấp thế giới, phát triển theo định hướng đại học nghiên cứu, và giải quyết các vấn đề sức khỏe của người dân Việt Nam. Đến năm 2016, dự án được mở rộng thành một đại học tổng hợp, đào tạo thêm các ngành quản trị, công nghệ và khoa học, nhằm xây dựng một hệ sinh thái giáo dục toàn diện. Năm 2017, hai dự án này được hợp nhất và chính thức trở thành VinUni, với sứ mệnh nâng cao chất lượng giáo dục và góp phần cải thiện hệ thống y tế trong nước. 

Trước đây, tôi đã đóng góp rất nhiều vào việc xây dựng trường đại học Y tế công cộng đầu tiên tại Việt Nam, nhưng trong lĩnh vực Y Khoa và Điều dưỡng, tôi chưa từng có cơ hội tham gia xây dựng chương trình giáo dục từ đầu. Do vậy, tôi luôn mong ước hệ thống giáo dục trong ngành Y tế phải có một cuộc cải tổ lớn, từ cơ sở đào tạo để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cho tương lai. Khi được mời về Vingroup, tôi thấy đây là cơ hội để tôi thực hiện những ước mơ lớn, những điều tôi luôn mong muốn thực hiện trong suốt gần 20 năm công tác trong hệ thống công lập. Lãnh đạo của Vingroup, đặc biệt là Chủ tịch, sở hữu tầm nhìn rất rõ ràng và tôi cảm thấy tầm nhìn đó hoàn toàn phù hợp với tôi. Tôi cũng mơ ước được xây dựng một trường đại học đạt chuẩn quốc tế, và đây là cơ hội để tôi làm những điều tôi luôn khao khát. 

Phương châm sống của tôi là nếu bạn không thử, bạn sẽ không bao giờ biết được khả năng của mình, chỉ khi dám thử thách và bước ra khỏi vùng an toàn, ta mới khám phá được hết khả năng của mình. Chính niềm tin đó đã dẫn dắt tôi nhận lời mời gia nhập VinUni – nơi tôi thấy được cơ hội để cùng tạo nên những giá trị đột phá cho giáo dục Y khoa tại Việt Nam.

Những thách thức lớn

Quá trình xây dựng VinUniversity gặp rất nhiều thách thức. Về mặt tài chính, chúng tôi không phải là không có nguồn lực, nhưng cũng không thể nói là chúng tôi có tài chính vô biên. Tất cả đều phải tính toán kỹ lưỡng, chắt chiu từng đồng một và lập kế hoạch ngân sách một cách chi tiết. Tuy nhiên, tôi không cho rằng đây là khó khăn lớn nhất. Thách thức lớn nhất là vấn đề con người. Để xây dựng một môi trường giáo dục mới, chúng tôi cần những con người có tầm nhìn, khát vọng và sự sẵn sàng đối mặt với thử thách. Có rất nhiều người giỏi trong ngành Y tế, từ bác sĩ, chuyên gia phẫu thuật đến điều dưỡng viên, nhưng việc thuyết phục họ tham gia vào một dự án mới, trong một môi trường hoàn toàn mới, là điều không hề dễ dàng. Những người này đã có sự nghiệp ổn định, có thu nhập tốt và chắc chắn không muốn đánh đổi vị trí hiện tại để tham gia vào một dự án chưa chắc thành công. Đặc biệt, họ luôn có những băn khoăn về sự bền vững của dự án, về việc liệu Vingroup có thể duy trì một trường đại học đạt chuẩn quốc tế hay không. Điều này tạo ra sự nghi ngờ và khó khăn trong việc tìm kiếm những người đồng hành thực sự phù hợp với tầm nhìn của VinUniversity.

Bên cạnh đó, làm việc với các cơ quan chức năng, giải quyết thủ tục pháp lý, và thuyết phục đối tác quốc tế là một hành trình đầy thử thách khác. Khi VinUni chỉ là một đề án trên giấy, việc thuyết phục Penn – một trường Ivy League top 15 toàn cầu về Y khoa và dẫn đầu về Điều dưỡng – đồng hành cùng chúng tôi là bài toán vô cùng khó. Ngay cả khi hợp tác, những khác biệt trong cách thức vận hành cụ thể cũng đòi hỏi nỗ lực dung hòa. VinUni không “nhập khẩu” nguyên vẹn chương trình Mỹ mà xây dựng một trường Y quốc tế phù hợp thực tế Việt Nam. Sinh viên cũng học từ các tài liệu chuyên môn kinh điển (chẳng hạn như cuốn Gray’s Anatomy trong môn Giải phẫu) với bài giảng được Penn hỗ trợ thiết kế, nhưng nội dung vẫn cần đội ngũ thầy cô Việt Nam điều chỉnh để phù hợp với tình hình trong nước. Đào tạo Y khoa không chỉ về kiến thức y học, mà còn phải hiểu văn hóa, hệ thống y tế và quy trình pháp lý của từng quốc gia. Hiện nay, sinh viên Y năm 5 của chúng tôi đang chuẩn bị cho kỳ thi thử theo tiêu chuẩn Mỹ vào hè tới. Chuyên gia Penn đánh giá cao trí tuệ và năng lực của các em. VinUni không chỉ là một ngôi trường, mà là hành trình đầy gian nan để hòa quyện tiêu chuẩn quốc tế với bản sắc Việt Nam.

Trước đây, chúng tôi đi rất nhiều nơi để học hỏi, trong đó có Đại học Quốc gia Singapore (NUS), nơi hợp tác với Đại học Duke của Mỹ để mở chương trình Y khoa theo mô hình Mỹ. Khi đến thăm phòng học áp dụng phương pháp team-based learning, tôi đã rất ấn tượng và khi trao đổi với đội ngũ lãnh đạo chương trình của họ, tôi thực sự choáng ngợp. Chương trình Y khoa 4 năm của họ cần hơn 1.000 giảng viên để triển khai – bao gồm bác sĩ và chuyên gia từ nhiều chuyên khoa khác nhau như nội, ngoại, sản, nhi,… Họ không chỉ giảng dạy toàn thời gian mà còn có những người chỉ dạy vài tiết, hoặc vài chục tiết mỗi năm. Huy động một lực lượng nhân sự đồ sộ như vậy để xây dựng và vận hành chương trình quả thực là điều rất đáng nể. Hiện nay, chúng ta cũng đang đi trên lộ trình tương tự. Tại VinUni, ngoài mấy chục giảng viên toàn thời gian là lực lượng nòng cốt của Viện Khoa học Sức khỏe, chúng tôi còn có hơn 500 bác sĩ, chuyên gia y tế từ các bệnh viện hàng đầu như Vinmec, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Nhi Trung ương,… và lực lượng này vẫn liên tục gia tăng. Dù khó khăn và vất vả, nhưng tôi thấy đây là một hành trình thú vị – bởi nó chứng minh rằng, để tạo ra một chương trình Y khoa xứng tầm quốc tế, cần rất nhiều tâm huyết và sự phối hợp nhịp nhàng.

Một kỷ niệm đáng nhớ là khi chúng tôi thăm Trung tâm Mô phỏng Quốc gia MSR ở Israel – nơi cố vấn cho các trường Y hàng đầu thế giới như Columbia, New York, và Mayo Clinic. Trở về, tôi quyết tâm mang mô hình đó về Việt Nam. Lần đầu thuyết phục, thời điểm chưa chín muồi. Hai năm sau, khi bắt đầu xây dựng trường Y tại VinUni, tôi đưa cả lãnh đạo Vinmec sang MSR, trình bày kế hoạch chi tiết. Trên chuyến bay về, chúng tôi gửi đề xuất đầu tư hàng chục tỷ đồng tới Chủ tịch Tập đoàn khi đang quá cảnh ở Bangkok và nhận được phản hồi đồng ý ngay khi hạ cánh tại Hà Nội. Chuyến đi đó không chỉ giúp ký kết hợp tác với MSR mà còn đặt nền móng cho trung tâm mô phỏng của VinUni, từ thiết kế tòa nhà, hệ thống kỹ thuật cho đến chiến lược đào tạo nhân lực. Dù campus VinUni chỉ động thổ nửa cuối năm 2018, nhưng trung tâm mô phỏng đã được hoạch định từ năm 2017, đảm bảo chúng tôi luôn đi trước một bước. Điều đó thực sự rất đặc biệt.

Nhìn lại 5 năm phát triển

Nhìn lại hành trình 5 năm phát triển của VinUni và những năm tháng tôi đồng hành, có hai điều rõ ràng nhất mà tôi cảm thấy tự hào. Đầu tiên là đội ngũ mà tôi đã xây dựng được, những con người đã cùng tôi thực hiện những công việc rất khó khăn, như xây dựng chương trình đào tạo và thành lập Viện Khoa học Sức khỏe. Đây là viện đầu tiên ở Việt Nam có được những công nhận kiểm định quốc tế. Chẳng hạn, chương trình điều dưỡng của Phó Giáo sư Nguyễn Hoàng Long đã vượt qua hai vòng thẩm định của Accreditation Commission for Education in Nursing (ACEN), trong đó vòng hai là Candidacy, gần như chính thức chuẩn bị được công nhận trong vòng cuối. Đây sẽ là chương trình đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam được công nhận bởi ACEN trong lĩnh vực điều dưỡng, điều mà chưa có trường đại học nào ở Việt Nam đạt được. 

Bên cạnh đó, VinUni cũng đã được Bộ Y tế cấp phép đào tạo chương trình Bác sĩ Nội trú (BSNT) ngay từ khi trường còn chưa có sinh viên Y khoa tốt nghiệp. Việc này không dễ, vì đào tạo nội trú là một chương trình rất khó và yêu cầu kiểm định nghiêm ngặt. Tuy nhiên, chúng tôi đã có được sự phê duyệt từ Bộ Y tế ngay từ khi chuẩn bị mở chương trình Y khoa vào năm 2020, và chúng tôi đón khóa đầu tiên vào tháng 10/2020. Với nền tảng đó, chúng tôi đã đặt quyết tâm cao về đảm bảo chất lượng đào tạo BSNT. Và VinUni đã trở thành cơ sở duy nhất tại Việt Nam đạt được kiểm định ACGME-I cho chương trình BSNT cấp trường (năm 2023) và cấp chương trình cho ba chuyên ngành Nội khoa, Ngoại khoa, Nhi khoa (năm 2024).

Thứ hai, tôi cảm thấy tự hào khi nhìn thấy những sinh viên của mình, đặc biệt là sinh viên ngành điều dưỡng, được thị trường đón nhận nồng nhiệt. Mới đây, trong tháng 6.2024, khóa cử nhân điều dưỡng đầu tiên của VinUni đã tốt nghiệp, và phần lớn các bạn đã được nhận vào làm tại Vinmec. Một số bạn khác đã chọn con đường làm việc tại các tổ chức quốc tế NGO, và một bạn đã trúng tuyển chương trình thạc sĩ tại Harvard. Những sinh viên được Vinmec tuyển dụng đã nhận được lời khen ngợi rất lớn từ lãnh đạo tại Times City, họ đánh giá các bạn rất có năng lực và sắc sảo. Lãnh đạo Vinmec cũng hứa sẽ tạo ra những cơ hội nghề nghiệp thuận lợi cho các bạn, không chỉ trong các vị trí chuyên môn mà còn trong các vai trò quản lý lãnh đạo. Điều này khiến tôi rất tự hào. Các BSNT của VinUni cũng rất thành công, vì họ được đào tạo theo chương trình chuẩn quốc tế của Mỹ và đã được Vinmec nhận vào làm ngay sau khi ra trường, với thu nhập tốt và cơ hội thăng tiến rõ ràng.

Những lời nhắn nhủ đầy yêu thương

Nhân dịp VinUni bước vào năm 2025 và kỷ niệm 5 năm thành lập, tôi mong muốn gửi lời chúc đến tất cả các thế hệ giảng viên, cán bộ, sinh viên và phụ huynh hiện tại cũng như tương lai của VinUniversity.

Đối với các thế hệ thầy cô, giảng viên và anh chị em trong đội ngũ quản lý, vận hành chương trình, tôi hy vọng mọi người luôn giữ được ngọn lửa nhiệt huyết và lòng mong muốn đóng góp cho sự phát triển của nhà trường. Chúng ta sẽ tiếp tục cùng nhau chăm sóc và đồng hành với sinh viên, cải thiện và nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo, để tạo ra một môi trường học tập và nghiên cứu thật sự xuất sắc. Chúc mọi người một năm mới thành công, đặc biệt trong mùa tuyển sinh sắp tới và trong công tác hỗ trợ sinh viên ra trường.

Với các sinh viên, tôi mong các em sẽ luôn theo đuổi con đường nghề nghiệp mà mình cảm thấy có ý nghĩa, cho dù đó là lâm sàng, nghiên cứu, quản lý, hay lãnh đạo. Hy vọng các em tìm thấy đam mê trong những gì mình làm và tạo ra tác động tích cực đối với xã hội. Chúc các em sẽ trở thành những con người có ích, đóng góp cho hệ thống y tế không chỉ tại Việt Nam mà còn ở khu vực và quốc tế.

Với các bậc phụ huynh, tôi mong rằng các bạn sẽ luôn tin tưởng vào lộ trình học tập của các em, không quá lo lắng hay sốt ruột. Tôi hiểu rằng giáo dục y khoa có nhiều điều phức tạp và đòi hỏi chuyên môn sâu, do vậy các bậc phụ huynh bên ngoài ngành y không phải lúc nào cũng thấu hiểu hết được. Tuy nhiên, tôi tin rằng khi các quí phụ huynh đồng hành và giữ liên lạc chặt chẽ với nhà trường, họ sẽ dần hiểu và cảm nhận được sự đầu tư, tâm huyết mà chúng tôi dành cho các em cũng như có sự tin tưởng vào nhà trường. Chúng tôi luôn tôn trọng và lắng nghe ý kiến của phụ huynh, và sẽ làm hết sức để đảm bảo rằng các sinh viên có một lộ trình phát triển nghề nghiệp tốt nhất.

Xin chúc mọi người một năm mới đầy sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Cùng nhau, chúng ta sẽ tiếp tục xây dựng một VinUni mạnh mẽ và phát triển bền vững.

 

Banner footer